CẢM XÚC TUỔI 40

 

Thấm thoát tôi đã bước sang tuổi 40, bốn mươi năm không phải là thời gian quá dài nhưng cũng đủ để lại trong tôi bao kỷ niệm. Kỷ niệm thời thơ ấu trong vòng tay yêu thương chăm sóc của bố mẹ, kỷ niệm những ngày cùng đám bạn tung tăng cắp sách đến trường, kỷ niệm thời sinh viên mơ mộng ở giảng đường đại học, và đặc biệt là những kỷ niệm vui buồn dưới mái nhà DHG.

  

Đã 17 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như mới hôm nào khi tôi bắt đầu làm việc tại Xí nghiệp DHG. Đó là vào mùa thu tháng 8 năm 1997, thời gian không lâu khi Xí nghiệp nhận được giấy chứng nhận GMP Asean trong niềm vui hạnh phúc của mọi người. Tôi không may mắn được chứng kiến giây phút hạnh phúc vỡ òa của các cô chú, anh chị, nhưng tôi vẫn cảm nhận niềm hạnh phúc đó còn vương vấn trên từng gương mặt, từng góc xưởng, từng cỗ máy, từng ngọn cây…năm ấy, tôi là cô sinh viên Dược khoa 23 tuổi vừa ra trường, được trở về quê hương Cần Thơ với bao khát khao làm việc và cống hiến. Tôi may mắn được nhận vào Phòng Kiểm nghiệm của Xí nghiệp DHG, đúng như niềm mơ ước của mình! Và may mắn hơn, tôi được Lãnh đạo phòng và các anh chị Phòng Kiểm nghiệm hết lòng yêu thương, chỉ dẫn, trong những ngày đầu tôi còn bỡ ngỡ với công việc của một kiểm nghiệm viên. Tôi đã cố gắng làm việc thật tốt để không phụ lòng tin yêu của mọi người. Tôi được giao kiểm mẫu thẩm định quy trình sản xuất, mẫu nhiều vô kể, mẫu được lấy ở nhiều vị trí và nhiều thời điểm khác nhau. Đêm ngủ tôi vẫn còn mơ thấy mẫu thẩm định “trái trên, trái giữa, trái dưới”, “phải trên, phải giữa, phải dưới”, “3 phút, 6 phút, 9 phút…”! Và mỗi ngày, khi trời còn tờ mờ sáng, tôi đã vội vã đến xí nghiệp để nhận mẫu thẩm định ca 3 vừa pha chế. Tôi và các anh chị trong Phòng Kiểm nghiệm luôn cố gắng làm việc thật chăm chỉ, hôm nào đường phố lên đèn tôi mới về đến nhà. Lúc đó, tuy vất vả nhưng tôi và các bạn cảm thấy vui vô cùng. Về nhà mẹ thường cười bảo tôi: “Con gái mẹ sao toàn mùi thuốc”!

 

Gần 20 năm làm việc và phấn đấu, giờ tôi đã trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều trong công việc, trong cuộc sống. Tôi cảm thấy mình đã thật sự gắn bó và thân thiết nơi đây.

 

Tháng 9 năm nay, tôi cũng như tất cả mọi người trong công ty xúc động chào đón ngày sinh nhật lần thứ 40 của DHG. Một con số 40 tròn trịa và xinh đẹp! Tuổi 40 là tuổi chín muồi cho sự thành công và vững chãi! DHG đã vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, từng phút, từng giờ thay da đổi thịt để bây giờ thành một tên tuổi đáng tự hào trên thương trường Dược phẩm Việt Nam, và tương lai không xa sẽ vươn ra xa thị trường thế giới. Tuy không được chứng kiến những ngày đầu lịch sử như các cô chú đi trước, nhưng tôi luôn cảm nhận được sự thay đổi kiên cường của DHG. Từ một Xí nghiệp 2/9 nhỏ bé thô sơ trong khu rừng tràm Kênh năm Đất Sét đã phát triển thành Xí nghiệp Liên hợp DHG anh hùng. Và năm 2004, tôi vinh dự được tận mắt chứng kiến những hồi trống vang dội của “Người thuyền trưởng” tại sàn chứng khoán Hồ Chí Minh, đánh dấu chính thức việc cổ phần hóa của DHG. Lúc ấy, bản thân tôi cũng như mọi thành viên khác trong công ty có rất nhiều tâm trạng khác nhau: vui mừng, lo lắng, băn khoăn nhưng cũng rất tự hào! Tự hào vì DHG đã được mọi người biết đến như một doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán. Chính cổ phiếu DHG đã mang đến cho bao gia đình CB.CNV công ty, trong đó có gia đình nhỏ bé của tôi, một cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc. Được như vậy là nhờ sự lãnh đạo tài tình, chiến lược kinh doanh hiệu quả của Ban lãnh đạo công ty, cũng như sự đồng lòng, sự cố gắng lao động chăm chỉ của toàn thể nhân viên DHG. Và thời gian trôi qua, DHG đã không ngừng thay đổi và lớn mạnh. Dù việc áp dụng lương 4D của công ty đã qua lâu, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi thời điểm đó. Đó là một thay đổi lớn của công ty ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư tình cảm của nhiều người. Nhiều cảm xúc khác nhau: người vui, người buồn, người hài lòng, người không. Nhưng đối với tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã có sự nhìn nhận lại việc đóng góp của từng cá nhân, trong đó có bản thân mình.

 

Để chào đón tuổi 40 tươi đẹp của mình, DHG đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy dược phẩm lớn nhất cả nước ở khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. Bao lớp người đi trước giờ đã nghỉ hưu và được thay thế bằng đội ngũ công nhân, nhân viên trẻ, khỏe, đầy nhiệt huyết. Dù là thế hệ cũ hay mới, con người DHG vẫn không thay đổi, vẫn là những người chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, bởi một điều rất giản dị, chúng tôi mang bên người “Bản sắc Dược Hậu Giang” và “Tình người Dược Hậu Giang”!

 

Một chặng đường rất dài, rất khó khăn đang chờ đón DHG phía trước, nhưng tôi vẫn tin rằng DHG sẽ luôn kịp thời có những chiến lược mới, những sự thay đổi mới phù hợp để chắc chắn vượt qua tất cả những khó khăn thử thách và tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Lưu Danh Anh Thư – Phòng Đăng ký Sản phẩm

 

 

MỘT LẦN ĐƯỢC TRUYỀN LỬA

 

Tôi nhớ như in một chuyến về Cà Mau huấn luyện cho thanh niên vào công ty làm dưới 3 năm được tổ chức vào năm 2007. Lần đầu tiên tôi được về Cà Mau trong lòng rất nôn nao, và càng nôn nao hơn khi biết mình sắp về đến nơi mà công ty của mình đã từng được thành lập ở đây. Chuyến xe đến chợ Cà Mau khoản 5 giờ sáng, chúng tôi được đi ca nô từ chợ Cà Mau vào Kênh 5 Đất Sét trên cano tôi đã rất hồi hợp tưởng tượng nhiều thứ về nơi tôi sắp đến về những kỷ niệm mà Cô Nga kể về nơi đầu tiên công ty Dược Hậu Giang thành lập. Khi ca nô quẹo vào một nhánh sông nhỏ và ngưng lại trước một ngôi nhà tương đối khang trang của Bác Hai Thanh và đó là ngôi nhà mà chúng tôi sẽ tạm trú trong đợt huấn luyện này.

 

Đến nơi sau khi nghỉ ngơi xong chúng tôi được sang ngôi trường do chính công ty Dược Hậu Giang xây dựng tặng địa phương. Chúng tôi tiến hành vệ sinh, sơn cửa và quét voi toàn bộ ngôi trường trong buổi sáng. Bửa cơm trưa hôm đó tôi ăn rất ngon vì sau một buổi lao động mệt mỏi nhưng thật có ý nghĩa. Sau giờ nghỉ trưa chúng tôi được đi vào rừng tràm U Minh nơi công ty của chúng tôi được thành lập từ thời kháng chiến. Trong lòng rất hồi hộp và rất tò mò không biết nới ấy như thế nào và tại sao công ty thành lập ở một cái nơi xa xôi như thế mà mọi người có thể tồn tại được trong một khoảng thời gian dài như thế! Chiếc xuồng nhỏ len vào con rạch nhỏ trong rừng tràm thỉnh thoảng có những tổ ong mật trên những cây tràm, những chú chim non hút mật trên những bông hoa tràm, cảnh vật thật thơ mộng và bình an. Đến nơi chúng tôi không còn nhận ra dấu tích nào của công ty xưa nữa! Mọi thứ đã biến mất chỉ còn lại một đám cỏ lớn bao phủ mà thôi. Qua lời kể của Cô Nga tôi thấy rất kính phục những thế hệ cha chú đi trước, họ đã sống và đã làm việc bằng cả trái tim của mình nhưng họ lại hy sinh rất thầm lặng và không cần công ty phải trả công họ như thế nào khác với chúng tôi những thế hệ trẻ sau này…Trên đường về lại nhà Bác Hai Thanh tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều đó.

 

Buổi chiều hôm đó trời mưa rất nhiều nhưng sau khi thăm nơi thành lập công ty cũ về chúng tôi lại có một động lực rất lớn nên rất hăng hái và sẵn sàng dầm mưa sang trường học để lót gạch cho sân trường trong suốt cơn mưa vào buổi chiều hôm đó. Đến tối thì trời đã tạnh mưa. Tuy nhiên ngoài sân nước rất trơn và rất nhiều bùn đất, có những lúc chúng tôi tưởng rằng đã không đốt lửa trại được. Nhưng mọi người lúc đó ai cũng nhiệt huyết hừng hực và xin phép Cô Nga được tiếp tục ra sân đốt lửa trại sinh hoạt tập thể, cuối cùng Cô cũng đã đồng ý! Trong đời tôi đã từng cấm trại và sinh hoạt lửa trại nhưng đây là lần sinh hoạt đặc biệt nhất và ý nghĩa nhất. Cô Nga đã cùng sinh hoạt với chúng tôi ngoài sân đầy bùn đất như thế, Cô đã truyền lửa cho chúng tôi vào đêm hôm ấy. Cô đã có một bài thuyết trình thật ấn tượng mà đến giờ tôi không sao quên được. Cô hôm đó thật trẻ trung và thật gần gũi, Cô đã kêu gọi chúng tôi cùng phấn đấu, cùng vì sự tồn tại và phát triển của công ty mà nỗ lực, phải biết kính trọng thế hệ những người đi trước và phải biết sống hòa hợp gắn kết với thế hệ đó hiện đang còn tại công ty. Cô đã trao ngọn đuốc cho thanh niên chúng tôi trong đêm hôm đó và ngọn đuốc đó cũng chính là “lửa” mà Cô đã truyền cho bản thân tôi đến ngày hôm nay. Chúng tôi đã ca hát suốt buổi tối hôm đó, thỉnh thoảng lửa trại tắt vì sân còn rất ướt do cơn mưa chiều hôm ấy nên chúng tôi phải đổ dầu vào củi để duy trì ngọn lửa còn cháy mãi để chúng tôi cùng “cháy” với nhau hết mình trong đêm hôm đó. Cùng nắm tay nhau hát mãi, hát mãi… hát đến khan cổ họng nhưng ai cũng rất sung và luôn muốn hát và múa. “Lửa” mà Cô đã truyền cho chúng tôi thật mãnh liệt làm cho chúng tôi có những quyết tâm và thay đổi ngay vào đêm hôm đó. Múa hát đến khuya đến giờ ca nô vào đón chúng tôi ra chợ Cà Mau để về Cần Thơ chúng tôi mới dừng lại.

 

Trên đường về tôi không sao ngủ được, trong lòng suy nghĩ về những việc đã làm trong quá khứ rồi soi rọi lại với những gì thế hệ đi trước đã cống hiến và hy sinh cho công ty tự nhiên tháy mình thật nhỏ nhen và thật ích kỷ quá! Tôi tự nhủ mình phải sống và làm việc như thế nào trong tương lai để xứng đáng với những gì mà thế hệ cô chú đi trước đã gầy dựng bằng mồ hôi và có cả xương máu trong đó.

 

Sau lần được Cô Nga truyền lửa hôm đó đến nay tôi rất nhiệt huyết và phấn đấu trong công việc, tôi luôn suy nghĩ và tìm cách làm thế nào để giải quyết công việc nhanh nhất hiệu quả nhất, cung cấp bao bì kịp thời cho kế hoạch sản xuất của công ty, luôn phấn đấu trong công việc, kính trọng thế hệ đi trước và tôi đã đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua trong suốt 8 năm qua, nhận bằng khen Thủ tướng vào năm 2013.

 

Qua câu chuyện trên tôi muốn nhắn nhủ một thông điệp nhỏ đến các bạn thanh niên hôm nay rằng: các bạn hãy làm việc bằng cả trái tim mình thì các bạn sẽ gặt hái được rất nhiều thành công, đừng đặt lợi ít bản thân lên trên mà phải luôn đặt lợi ích của công ty của tập thể lên trên để phấn đấu. Bên cạnh đó, các Cô Chú của thế hệ đi trước đã hy sinh rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu cho sự tồn tại và phát triển của công ty hôm nay nên chúng ta phải biết tri ân và tôn trọng họ, sống chan hòa với họ, có như thế chúng ta mới xứng đáng là con cháu của đại gia đình Dược Hậu Giang.

   

Dương Tấn Phúc

Đơn vị: Phòng Cung Ứng (SP)

 

 

 

Rạch Giá, ngày 05 tháng 8 năm 2014

Kỷ niệm với Dược Hậu Giang thì nhiều lắm! Nhưng tôi vẫn nhớ mãi và ấn tượng với một kỷ niệm khó quên. Đó là lúc ra nhận công việc ở Chi nhánh Huế; trước đó thì bán hàng ở Đại lý Đồng Nai, lính của chị Hoa. Danh mục sản phẩm của Xí nghiệp LH Dược Hậu Giang đang bán tại Đồng Nai khoảng trên dưới 130 sản phẩm. Nhưng danh mục ở chi nhánh Huế thì chỉ hơn 70 sản phẩm thôi, có những mặt hàng ở Đồng Nai bán rất chạy nhưng ở Huế thì khách hàng không hề biết đến (Khách hàng ở đây ít chịu thay đổi, chỉ bán những mặt hàng cũ đã quen thôi, chào sản phẩm mới rất khó chấp nhận). Lúc đó trong đầu cứ suy nghĩ mãi..?! Chào ở nhà thuốc thì không thành công, bây giờ làm sao để người dân biết sản phẩm của mình mà tìm tới nhà thuốc mua, thì mình mới bán được cho khách hàng. Lúc đó đâu có hoạt động Marketing để quảng cáo, giới thiệu đến người tiêu dùng như bây giờ! Cuối cùng nghĩ ra cách là đi chào bán lẻ ở các chợ vùng quê.

 

Ngày hôm sau soạn những mặt hàng thông thường như: Sedalgin, Gastranza, Centrum, Analgin, Protimol, Korcin, Multi nâu…mỗi thứ vài chai vài hộp, đóng vào thùng. Mỗi buổi sáng chở thùng hàng xuống tận các chợ xã, bày ra chào mời những người đi chợ. Người mua 1 vỉ, 1 chai…có hôm về kiểm lại thiếu hàng, thiếu tiền! Do lúc khách mua đông quá không kịp kiểm tra.

 

Nhớ lại buổi chiều hôm đó đi với Dương Nghĩa ghé bán ở chợ Gio Linh – Quảng Trị, khách mua nhiều quá, hai anh em mãi mê đến quá tối mà không hay; trời thì lạnh cắt da đường lộ thì tối và vắng người đi lại, về đến đoạn huyện Hải Lăng bị chiếc xe tải chạy ngược chiều rọi đèn vào mặt nên bánh xe trượt lề khi đang chạy với tốc độ nhanh, hai anh em văng khỏi xe chừng 3 mét. Nghĩa bị xây xát ở mặt, còn tôi thì bị lát da ở đầu gối máu chảy đỏ cả ống quần jean, chiếc xe thì bị quẹo cổ không chạy được, hai anh em bò dậy lấy cục đá đập cổ xe cho hơi ngay lại, chạy từ từ về đến chi nhánh gần 2 giờ sáng.

 

Điều rất vui mừng sau đó là; người dân cầm mẫu thuốc của Dược Hậu Giang đến nhà thuốc hỏi mua - từ đó bán được cho những khách hàng “ít chịu thay đổi”, và doanh số thì không ngừng tăng trưởng.

 

Sau này nhiều khi nhớ lại sao lúc đó liều vậy? Thuốc chữa bệnh mà đem ra bày bán ở chợ như mặt hàng bánh kẹo mà chẳng có xin phép ai, đúng là “điếc không sợ súng”.

 

Dương Hữu Tài - HT Pharma