xuathuyet

Theo tổ chức y tế thế giới, hàng năm trên thế giới ước tính có khoảng 20 triệu trường hợp nhiễm siêu vi trùng dengue khiến khoảng 500 ngàn bệnh nhân SXH phải nhập viện, (tỉ lệ tử vong có thể từ 1- 5%).

Ở Việt Nam, những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, bệnh SXH xảy ra và nhanh chóng lây lan thành dịch ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Ở các tỉnh phía Nam, trận dịch SXH lớn năm 1998 có 123.997 bệnh nhân trong đó có 347 trường hợp tử vong đã được báo cáo. Năm 2004, có 66.183 bệnh nhân SXH và 103 trường hợp tử vong. Chủ yếu bệnh SXH xảy ra ở trẻ em 1-15 tuổi; tuy nhiên, người lớn và trẻ em dưới 12 tháng tuổi vẫn có thể bị bệnh SXH.

Cho đến nay SXH vẫn còn là bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị, rất dễ dẫn đến tử vong do trụy tim mạch (sốc) xuất huyết ồ ạt nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị đúng.

Mục tiêu của chăm sóc và theo dõi SXH tại nhà:

- Phát hiện sớm trẻ bị bệnh SXH.

- Chăm sóc đúng cho trẻ bị bệnh SXH.

- Phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh SXH:

Các dấu hiệu của bệnh SXH:

1. Sốt cao: Trẻ đột ngột bị sốt cao 39 - 410C. Sốt cao liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày.

2. Biểu hiện xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, mảng xuất huyết, bầm chỗ chích, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, tiêu ra máu.

3. Gan to, đau bụng, ói mửa.

4. Sốc (trụy tim mạch): Thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Trẻ thường hết sốt nhưng mệt, bứt rứt, quấy khóc, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch cổ tay nhanh, nhẹ và huyết áp kẹp hoặc tụt huyết áp.

Xét nghiệm máu sẽ cho thấy có dấu hiệu cô đặc máu (dung tích hồng cầu tăng) và giảm số lượng tiểu cầu.

Khi nào nghĩ đến trẻ bị bệnh SXH?

Tất cả trẻ bị sốt cao từ 2 ngày trở lên phải nghĩ ngay đến bệnh SXH và cha mẹ nên đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi bệnh. Các bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn cha mẹ cách theo dõi, chăm sóc cho trẻ. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ cho các cháu thử máu để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Chăm sóc và theo dõi trẻ bệnh sốt xuất huyết tại nhà

Trong mười trường hợp bị SXH, chỉ một đến 3 trường hợp trở nặng (có biến chứng) phải được nhập viện ngay và được chữa trị đúng tại bệnh viện. Các trường hợp còn lại (7/10 trường hợp) bệnh nhi được điều trị ngoại trú (tại nhà) và được tái khám theo dõi mỗi ngày, cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh, khi trẻ hết sốt, thèm ăn, chạy chơi là an toàn. Riêng trường hợp các cháu nhà ở xa cơ sở y tế không thể nhập viện kịp thời, khi bệnh trở nặng được xem xét nhập viện để theo dõi.

 

Cách chăm sóc trẻ bị bệnh SXH tại nhà:

Những điều cần làm:

- Hạ sốt cho trẻ: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, 4- 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, co giật.

- Cho trẻ uống nhiều nước: Nước lọc, nước cam, chanh, nước oresol.

- Cho ăn thức ăn lỏng, nhẹ, nằm nghỉ ngơi.

- Tái khám mỗi ngày theo hẹn của bác sĩ.

Những điều không nên làm:

- Không nên cạo gió, cắt lể làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng trẻ.

- Không tự ý cho uống thuốc Aspirine vì có thể gây chảy máu dạ dày.

- Không cho trẻ bị SXH truyền dịch tại các phòng khám không đủ điều kiện vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh nặng kéo dài, phù nề, suy tim khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu được. Khi bệnh SXH trở nặng, trẻ cần được truyền dịch đúng và được theo dõi sát sao tại bệnh viện bởi các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ phương tiện để theo dõi.

Phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời:

Phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh SXH là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

 

Các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH:

- Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng.

- Bứt rứt; quấy khóc; tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi.

- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu ra máu.

Trẻ hết sốt mà có một trong các dấu

hiệu trở nặng trên phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu để được truyền dịch kịp thời.

Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Tại sao trẻ bị SXH?

Trẻ bị lây bệnh SXH là do bị muỗi vằn đốt (chích). Đây là loại muỗi sống trong nhà, phát triển từ lăng quăng nơi nước đọng và đốt trẻ vào ban ngày. Muỗi vằn đốt trẻ mắc bệnh SXH và truyền bệnh SXH từ trẻ này sang trẻ khác.

 

Cách nào phòng ngừa bệnh SXH:

Bệnh SXH có thể phòng ngừa được. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là:

- Để tránh bị muỗi đốt nên cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày, dùng nhang, phun thuốc diệt muỗi trong nhà.

- Diệt muỗi, diệt lăng quăng: Làm vệ sinh nhà cửa, dẹp bỏ các nơi đọng nước như lu, máng, bình bông, lon, hộp, gáo dừa, đậy kín các lu chứa nước sinh hoạt để không cho muỗi đẻ, hoặc thả cá bảy màu để ăn lăng quăng.

Thực hiện tốt phương châm “Nhà không lăng quăng thì không bị bệnh SXH” sẽ góp phần quan trọng trong phòng ngừa bệnh SXH.

 

Vắc xin phòng bệnh SXH:

Cho đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc chủng ngừa hiệu quả. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới cùng với các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra một loại vắc xin ngừa bệnh SXH. Đã có một số loại vắc xin được cho phép thử nghiệm thực tế, tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia thì cần ít nhất khoảng 5 năm nữa mới có thể có vắc xin an toàn, hiệu quả phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Trong giai đoạn hiện nay, việc diệt muỗi, diệt lăng quăng vẫn là biện pháp hiệu quả, thiết thực nhất giúp phòng bệnh SXH.

 

TS. BS. NGUYỄN THANH HÙNG 
(BV. Nhi Đồng 1 – TPHCM)