Năm nay là năm đầu tiên các nước khu vực ASEAN tổ chức “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết Dengue”. Sự kiện này diễn ra tại TP Cần Thơ vào ngày hôm nay (15-6), với thông điệp: “Sốt xuất huyết là mối quan tâm của mọi người, gây nên gánh nặng về kinh tế – xã hội nhưng có thể phòng chống được”.
Nhân sự kiện này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về tình hình thực tế và những hành động cụ thể nhằm thực hiện thông điệp của “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết Dengue ”.
* Thưa tiến sĩ, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên thế giới, trong nước diễn biến như thế nào? Để hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết Dengue”, chúng ta cần có những hành động cụ thể gì?
- Hiện nay, trên thế giới có hơn 2,5 tỉ người sống trong vùng nguy cơ mắc bệnh SXH. Mỗi năm có khoảng 51 triệu người nhiễm virus Dengue, có 500.000 ca SXH, trong số này có khoảng 22.000 ca tử vong. Theo một nghiên cứu của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, chi phí để chăm sóc 1 ca bệnh SXH nhẹ ở Việt Nam vào năm 2006 là 41 đô-la Mỹ, và chi phí cho một ca SXH nặng là 127 đô-la Mỹ, trong khi thu nhập của nhiều người dân ở nước ta vẫn còn thấp, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Chúng ta cũng biết trung gian truyền bệnh SXH là muỗi vằn. Nếu cả cộng đồng đều nỗ lực để không có lăng quăng, không có muỗi vằn thì sẽ không có bệnh SXH. Do đó để thiết thực hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết Dengue” thì mọi người, mọi nhà nên thường xuyên diệt lăng quăng ở các vật chứa nước trong nhà và xung quanh nhà, không để muỗi có nơi trú đậu, sinh sản.
* Tiến sĩ nhận xét gì về công tác phòng chống SXH ở các tỉnh phía Nam trong những năm qua? Còn những khó khăn, tồn tại nào cần khắc phục?
- Hàng năm, khu vực phía Nam là nơi có số ca mắc SXH nhiều nhất, chiếm từ 80% đến 85% số ca mắc SXH của cả nước. Riêng từ đầu năm đến ngày 5-6-2011, khu vực phía Nam có tất cả 16.213 ca SXH, tử vong là 13 ca. So với cùng kỳ năm 2010, số ca mắc SXH tăng 30%, số người tử vong giảm 13%. Tuy nhiên, hiện nay mới đầu mùa mưa nên số liệu nói trên chưa phản ánh đúng tình hình SXH của năm nay. Nếu huy động được mọi người tích cực tham gia phòng, chống thì số ca mắc SXH có thể tương đương hoặc giảm hơn so với năm 2010.
Chúng ta cần ghi nhận trong những năm qua, ngành y tế của các tỉnh thành phía Nam đã có nhiều nỗ lực để hạn chế sự bùng phát của dịch SXH. Hoạt động giám sát ca bệnh, giám sát côn trùng được triển khai theo định kỳ. 18/20 tỉnh, thành có thể tự làm xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh SXH. Nhiều mô hình phòng ngừa SXH chủ động được triển khai như: mô hình cộng tác viên, mô hình trường học tham gia phòng chống SXH, mô hình xử lý ổ dịch nhỏ... Khi dịch có nguy cơ lan rộng thì triển khai phun thuốc diện rộng. Hàng năm đều có những lớp cập nhật kỹ năng chẩn đoán và điều trị, nhờ vậy tỷ lệ tử vong trên số ca mắc, tỷ lệ chết trên sốc SXH được giữ ở mức thấp.
Tuy nhiên, hiện nay trong công tác phòng chống SXH vẫn còn những khó khăn nhất định. Do chúng ta chưa có vắc-xin để bảo vệ, trong khi biện pháp diệt lăng quăng đòi hỏi mỗi gia đình phải tự giác thực hiện thường xuyên hàng tuần, không thể trông chờ cộng tác viên hoặc nhân viên y tế làm thay. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi diện rộng đòi hỏi tính chuyên nghiệp của đội ngũ phun thuốc và sự hợp tác của người dân.
* Theo tiến sĩ, tình hình SXH diễn biến ngày càng phức tạp là do những nguyên nhân nào? Để đối phó và giảm nguy cơ tử vong do bệnh SXH, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh có những khuyến cáo gì trong vấn đề này?
- Trước đây, chúng ta thường thấy bệnh SXH hay xuất hiện vào mùa mưa, và đa số trẻ nhỏ dưới 15 tuổi mắc bệnh SXH. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh xuất hiện quanh năm, số ca mắc ở người lớn cũng khá nhiều. Khí hậu ấm dần lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn, việc di biến động dân cư từ vùng có dịch lưu hành đến vùng chưa có dịch và ngược lại sẽ làm tăng nguồn truyền bệnh và nguồn cảm nhiễm; cộng với quá trình đô thị hóa không kiểm soát sẽ xuất hiện nhiều khu dân cư chật chội, đông đúc và nhiều nơi không có hệ thống nước máy sử dụng phải trữ nước mưa... Những điều kiện nói trên khiến cho dịch SXH có thể xảy ra ở bất kỳ tháng nào mặc dù đỉnh dịch vẫn rơi vào mùa mưa. Người lớn nếu chưa được miễn dịch với SXH vẫn có thể mắc bệnh.
Để giảm nguy cơ tử vong thì cả 2 phía cán bộ y tế và người dân cùng hợp tác mới có thể tránh được. Về phía người dân cần có hiểu biết nhất định để có thể nhận biết các dấu hiệu của bệnh SXH, từ đó sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Về phía đội ngũ y bác sĩ ở các cơ sở điều trị cần thường xuyên được cập nhật kỹ năng chẩn đoán và điều trị SXH. Thực ra, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trên số ca mắc và chết trên sốc vì SXH ở Việt Nam là tương đối thấp so với các nước khác. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành y tế trong công tác phòng chống SXH.
* Theo tiến sĩ, để công tác phòng chống dịch SXH đạt hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động gì?
- Theo tôi, để công tác phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục truyền thông để người dân tự giác thực hiện diệt lăng quăng ở các vật chứa trong nhà và xung quanh nhà. Việc này phải làm thường xuyên hàng tuần. Song song đó, cần củng cố hoạt động của mạng lưới cộng tác viên và ban chỉ đạo phòng chống dịch để nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng này, thường xuyên nhắc nhở người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi, không nên khoán trắng cho ngành y tế. Riêng ngành y tế cần tổ chức tốt các khâu tiếp nhận, khám điều trị, nhằm phát hiện sớm bệnh SXH và xử lý kịp thời các ổ dịch nhỏ. Có như vậy, công tác phòng chống dịch SXH sẽ đạt hiệu quả cao.
* Xin cảm ơn Tiến sĩ !
VIỆT AN (Thực hiện)