• Đơn vị tính
    Hộp
  • Công thức

    Thành phần hoạt chất
    Paracetamol ...................................................... 150 mg
    Thành phần tá dược: vừa đủ ………………….1 gói

  • Dạng bào chế

    Thuốc bột sủi bọt.

  • Quy cách đóng gói

    Hộp 24 gói x 1,5 g.

  • Dược lực học

    Nhóm dược lý: THUỐC GIẢM ĐAU VÀ HẠ SỐT KHÁC. Mã ATC: N02BE01
    Cơ chế hoạt động
    Paracetamol có cơ chế hoạt động ở trung tâm và ngoại vi.

  • Dược động học

    Hấp thu
    Sự hấp thu paracetamol khi uống sẽ nhanh và hoàn toàn. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 30 đến 60 phút sau khi uống.
    Phân bố
    Paracetamol được phân bố nhanh vào hầu hết các mô. Nồng độ này có thể so sánh được trong máu, nước bọt và huyết tương. Liên kết với protein huyết tương yếu.
    Chuyển hóa
    Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Hai con đường chuyển hóa chính là liên hợp với acid glucuronic và liên hợp với acid sulfuric. Liên hợp với acid sulfuric nhanh chóng bão hòa khi dùng liều cao hơn liều điều trị. Một con đường khác, được xúc tác bởi cytochrom P450 tạo thành một chất trung gian có tính phản ứng (N-acetyl benzoquinoneimin), trong điều kiện sử dụng thông thường, chất trung gian này sẽ được khử độc bằng glutathion và được đào thải qua nước tiểu sau khi liên hợp với cystein và acid mercapturic.
    Tuy nhiên, khi ngộ độc với liều cao paracetamol, lượng chất chuyển hóa có độc tính này tăng lên.
    Thải trừ
    Thải trừ chủ yếu qua đường tiểu. 90% liều uống được thải trừ qua thận trong vòng 24 giờ, chủ yếu ở dạng glucuronid (60 đến 80%) và sulfonid (20 đến 30%). Dưới 5% được thải trừ ở dạng không đổi.
    Thời gian bán thải khoảng 2 giờ.
    Các nhóm bệnh nhân đặc biệt
    Suy thận
    Ở người suy thận, việc thải trừ paracetamol và các chất chuyển hóa bị chậm lại.

  • Lái xe và vận hành máy móc

    Paracetamol không có hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc.

  • Phụ nữ có thai và cho con bú

    Phụ nữ có thai
    Các nghiên cứu trên động vật không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về tác dụng gây quái thai hoặc gây độc cho thai của paracetamol.
    Một lượng lớn dữ liệu từ phụ nữ mang thai cho thấy không có bất kỳ dị tật hoặc nhiễm độc thai nhi/ trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu dịch tễ học dành cho sự phát triển thần kinh của trẻ em tiếp xúc với paracetamol trong tử cung cho kết quả không thuyết phục. Nếu cần thiết về mặt lâm sàng, có thể dùng paracetamol trong thai kỳ; tuy nhiên, nên được sử dụng ở liều hiệu quả thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất và ở tần suất thấp nhất có thể.
    Phụ nữ cho con bú
    Paracetamol được bài tiết một lượng nhỏ qua sữa mẹ sau khi uống. Phát ban trên da đã được báo cáo ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Ở liều điều trị, có thể dùng thuốc này trong thời kỳ cho con bú.
    Khả năng sinh sản
    Không áp dụng.

  • Tác dụng không mong muốn

    Một số trường hợp hiếm gặp về phản ứng quá mẫn như sốc phản vệ, hạ huyết áp (như một triệu chứng của phản vệ), phù mạch, ban đỏ, mày đay, phát ban trên da đã được báo cáo. Sự xuất hiện của các triệu chứng này yêu cầu ngừng hẳn loại thuốc này và các loại thuốc liên quan.
    Rất hiếm trường hợp phản ứng nghiêm trọng trên da (hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính, hoại tử biểu bì nhiễm độc và hội chứng Stevens-Johnson) đã được báo cáo và yêu cầu ngừng điều trị.
    Rất hiếm gặp các trường hợp giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu và giảm bạch cầu trung tính.
    Các trường hợp tiêu chảy, đau bụng, tăng men gan, tăng hoặc giảm INR đã được báo cáo.
    Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

  • Quá liều và cách xử trí

    Nguy cơ nhiễm độc nặng có thể xảy ra đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ, bệnh nhân suy gan, nghiện rượu mạn tính, bệnh nhân suy dinh dưỡng mạn tính và bệnh nhân dùng chất cảm ứng enzym. Trong những trường hợp này, ngộ độc có thể gây tử vong. Các triệu chứng lâm sàng của tổn thương gan thường thấy sau hai ngày và đạt đỉnh sau 4 - 6 ngày.
    Triệu chứng
    Buồn nôn, nôn, chán ăn, xanh xao, khó chịu, đổ mồ hôi và đau bụng thường xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu.
    Quá liều, từ 10 g paracetamol với một liều duy nhất ở người lớn và 150 mg/ kg thể trọng với một liều duy nhất ở trẻ em, gây hủy tế bào gan, có thể dẫn đến hoại tử hoàn toàn và không hồi phục, dẫn đến suy tế bào gan, nhiễm toan chuyển hóa, và bệnh não có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
    Đồng thời, có sự tăng nồng độ transaminase gan, lactat dehydrogenase, bilirubin và giảm nồng độ prothrombin có thể xảy ra từ 12 - 48 giờ sau khi dùng thuốc. Các triệu chứng lâm sàng của tổn thương gan thường thấy sau 1 đến 2 ngày và đạt tối đa sau 3 đến 4 ngày.
    Các biện pháp cấp cứu
    - Đưa ngay đến bệnh viện.
    - Lấy một ống máu càng sớm càng tốt để định lượng nồng độ paracetamol trong huyết tương nhưng không được sớm hơn 4 giờ sau khi uống.
    - Đào thải lượng thuốc đã uống bằng cách rửa dạ dày.
    - Điều trị thông thường đối với quá liều là thuốc giải độc N-acetylcystein I.V. hoặc uống càng sớm càng tốt nếu có thể trong thời gian dưới 10 giờ sau khi uống.
    - Điều trị triệu chứng.
    - Phải tiến hành làm xét nghiệm về gan lúc khởi đầu điều trị và nhắc lại mỗi 24 giờ. Trong hầu hết trường hợp, transaminase gan trở lại mức bình thường sau 1 - 2 tuần với sự phục hồi đầy đủ chức năng gan. Trong trường hợp quá nặng, có thể cần phải ghép gan.

  • Điều kiện bảo quản

    Nơi khô, nhiệt độ không quá 30°C, tránh ánh sáng.

  • Hạn sử dụng
    36 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Cảnh báo và lưu ý khi sử dụng

    Cảnh báo đặc biệt
    Để tránh nguy cơ quá liều
    - Kiểm tra để chắc chắn là các thuốc khác đang dùng (bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn) không chứa paracetamol.
    - Tuân thủ liều lượng khuyến cáo tối đa.
    Liều khuyến cáo tối đa:
    - Trẻ em cân nặng dưới 40 kg, tổng liều paracetamol không được vượt quá 80 mg/ kg/ ngày (xem phần Quá liều và cách xử trí).
    - Ở trẻ em từ 41 kg đến 50 kg, tổng liều paracetamol không được vượt quá 3 g mỗi ngày (xem phần Quá liều và cách xử trí).
    - Ở người lớn và trẻ em trên 50 kg, TỔNG LIỀU PARACETAMOL KHÔNG ĐƯỢC VƯỢT QUÁ 4 g MỖI NGÀY (xem phần Quá liều và cách xử trí).
    Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Stevens - Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP). Các phản ứng trên da này có thể gây tử vong. Bệnh nhân cần được thông báo về những dấu hiệu ban đầu của những phản ứng da nghiêm trọng này, và sự xuất hiện của phát ban hoặc bất kỳ dấu hiệu mẫn cảm nào khác cần phải ngừng điều trị.
    Thận trọng khi sử dụng
    Ở trẻ được điều trị với paracetamol liều 60 mg/ kg/ ngày, việc kết hợp với một loại thuốc hạ sốt khác chỉ được xem xét trong trường hợp không hiệu quả.
    Cần thận trọng khi dùng paracetamol trong các trường hợp sau:
    - Suy tế bào gan nhẹ đến trung bình,
    - Suy thận,
    - Hội chứng Gilbert (vàng da gia đình không tan máu),
    - Thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase (G6PD) (có thể dẫn đến thiếu máu tan huyết),
    - Nghiện rượu mạn tính, uống quá nhiều rượu (3 ly rượu trở lên mỗi ngày),
    - Chán ăn, ăn vô độ hoặc suy mòn,
    - Suy dinh dưỡng kéo dài (kém dự trữ glutathion ở gan),
    - Mất nước, giảm thể tích máu.
    Nếu phát hiện bị viêm gan virus cấp tính, nên ngừng sử dụng thuốc này.
    Liên quan đến tá dược
    Thuốc này chứa 41,1 mg natri mỗi gói, tương đương với 2,06% lượng natri tối đa hàng ngày được WHO khuyến cáo cho người lớn là 2 g.
    Aspartam: Thuốc này có chứa aspartam, là nguồn cung cấp phenylalanin, do đó không nên dùng cho bệnh nhân bị phenylketon niệu, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp, trong đó phenylalanin tích tụ do cơ thể không thể loại bỏ đúng cách.
    Đường trắng: Bệnh nhân bị rối loạn di truyền hiếm gặp như không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose- galactose hoặc thiếu hụt enzym sucrase-isomaltase không nên dùng thuốc này.
    Màu sunset yellow: Có thể gây phản ứng dị ứng.

  • Tương tác và tương kỵ thuốc

    Thận trọng khi phối hợp
    + Thuốc kháng vitamin K
    Nguy cơ tăng tác dụng của thuốc kháng vitamin K và nguy cơ chảy máu nếu dùng paracetamol ở liều tối đa (4 g/ ngày) trong ít nhất 4 ngày.
    Kiểm soát INR thường xuyên hơn. Có thể điều chỉnh liều lượng của thuốc kháng vitamin K trong khi điều trị bằng paracetamol và sau khi ngừng thuốc.
    + Flucloxacillin
    Thận trọng khi dùng đồng thời paracetamol với flucloxacillin do làm tăng nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa khoảng trống anion cao (AMTAE), đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ thiếu hụt glutathion như suy thận nặng, nhiễm khuẩn huyết, suy dinh dưỡng hoặc nghiện rượu mạn tính. Khuyến cáo theo dõi chặt chẽ để phát hiện sự xuất hiện của AMTAE, bằng cách xét nghiệm 5-oxoprolin trong nước tiểu.
    Tương tác với các xét nghiệm cận lâm sàng
    Dùng paracetamol có thể cản trở việc xác định đường huyết bằng phương pháp glucose oxidase-peroxidase trong trường hợp nồng độ cao bất thường.
    Dùng paracetamol có thể ảnh hưởng đến liều lượng acid uric trong máu theo phương pháp acid phosphotungstic.

  • Chỉ định

    Thuốc dùng điều trị triệu chứng đau từ nhẹ đến vừa và/ hoặc sốt. Dạng bào chế và hàm lượng này phù hợp cho trẻ em có cân nặng từ 8 - 30 kg (khoảng từ 6 tháng đến 11 tuổi).

  • Chống chỉ định

    Quá mẫn với paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào khác.
    Suy tế bào gan nặng hoặc bệnh gan mất bù thể hoạt động.

  • Liều dùng và cách dùng

    Hòa tan thuốc vào lượng nước (thích hợp cho bé) đến khi sủi hết bọt.

    Cách mỗi 6 giờ uống một lần, không quá 5 lần/ ngày.

    Liều uống: trung bình từ 10 - 15 mg/ kg thể trọng/ lần.

    Tổng liều tối đa không quá 60 mg/ kg thể trọng/ 24 giờ.

    Hoặc theo phân liều sau:

    Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: uống 1 gói/ lần.

    Hoặc theo chỉ dẫn của Thầy thuốc.

    Lưu ý: Không nên kéo dài việc tự sử dụng thuốc cho trẻ mà cần có ý kiến bác sĩ khi:

    - Có triệu chứng mới xuất hiện.

    - Sốt cao (39,50C) và kéo dài hơn 3 ngày hoặc tái phát.

    - Đau nhiều và kéo dài hơn 5 ngày.

    Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.